Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

QUAY PHIM, CHỤP ẢNH CẢNH SÁT GIAO THỒNG TÁC NGHIỆP HAY GÂY SỰ?

Cuteo@
Ảnh lấy từ Net
Phải nói trước với các bạn, Cuteo@ kém hiểu biết về pháp luật, vì thế đang muốn tìm hiểu pháp luật. Entry này viết về một vấn đề được cho là nhạy cảm, động chạm đến giới báo chí và nhiều người. Nhưng với tinh thần học hỏi, Cuteo@ vẫn muốn thể hiện quan điểm cá nhân, vì thế nó có thể đúng hoặc không đúng. Mong bạn đọc góp ý trên tinh thần xây dựng.

Tôi thấy dạo này trên mạng đăng nhiều clip về CSGT tác nghiệp. Các clip trên đều phản ánh việc đấu khẩu giữa người được cho là vi phạm luật giao thông đường bộ với CSGT. Nhiều clip có lời bình rất phản cảm và mang tính thóa mạ lực lượng CSGT, theo tôi như thế không nên.

Ai cũng thấy, tình hình giao thông ở ta rất lộn xộn, nhiều khi rối loạn, và lực lượng mà người dân trông mong là CSGT. Công bằng mà nói, nơi nào vắng bóng CSGT thì nơi đó rối loạn, vì thế sự có mặt của các CSGT là cần thiết và hữu ích.

Thực tế đang tồn tại một số CSGT chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa chú tâm vào nhiệm vụ chính là điều tiết, hướng dẫn giao thông. Trái lại, chỉ tập trung vào việc xử phạt. Đành rằng, việc xử phạt trường hợp phạm luật giao thông là cần thiết và bản thân nó cũng có tính định hướng thái độ tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên, chú ý quá mức đến việc phạt, mà xem nhẹ việc hướng dẫn, điều tiết sẽ là phản cảm và ảnh hưởng đến hình ảnh của CSGT.

Một điều rất dễ thấy là CSGT làm việc trong môi trường cực khổ, đặc biệt là ở Hà Nội, nhưng các anh lại là những người khó chiếm được cảm tình của người dân. Vì sao lại như vậy? Ngoại trừ những lý do xuất phát từ chính bản thân các CSGT, thì lý do khách quan dẫn đến việc này là lực lượng CSGT luôn luôn phải đối mặt với việc giải quyết những vẫn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của dân. Đơn giản là khi bị phạt, người ta sẽ ghét, kể cả họ sai. Vì thế việc quay phim, chụp ảnh CSGT đang tác nghiệp liệu có trở nên cần thiết và đúng đắn?

Báo chí có lạm quyền không?

Bộ Luật Dân sự 2005 quy định tại điều 31 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy đã rõ, CSGT có quyền đối với hình ảnh của họ.

Điều luật không quy định quyền của công dân đối với hình ảnh của họ trong lúc nghỉ ngơi hay lúc đang làm việc. Như vậy, việc CSGT bị người dân, và thậm chí cả phóng viên báo chí quay chụp là không được phép.

Trong khi đó, Nghị định 51/2012 quy định chi tiết thi hành Luật Báo Chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, tại Điều 8 quy định. Quyền hạn của nhà báo:
1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy mời và các quy định cụ thể của Ban Tổ chức các hoạt động đó.
3. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
4. Được ưu tiên trong việc mua vé tàu, vé xe, vé máy bay, chuyển nhanh điện tín, bài báo và ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, các loại ấn phẩm báo chí khi hoạt động nghiệp vụ.
5. Được ưu tiên, tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong trường hợp giao thông bị ách tắc, khó khăn và được hưởng chế độ miễn phí đối với phương tiện giao thông của cơ quan báo chí và nhà báo khi phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo chí.
Như vậy, không có quy định nào cho phép nhà báo được quay phim chụp ảnh CSGT tác nghiệp khi chưa được họ đồng ý. Có thể hiểu, nếu các nhà báo xuất trình thẻ nhà báo và xin phép, CSGT sẽ buộc phải đồng ý cho họ quay phim chụp ảnh làm tư liệu vì lợi ích cộng đồng. Nhưng nếu như họ lén lút quay phim, chụp ảnh và sau khi bị phát hiện mới xuất trình thẻ nhà báo thì lại là hành vi trái pháp luật.

Đó là nói về việc quay phim, chụp ảnh của báo chí. 

Quay phim, chụp ảnh hay gây sự?

Theo tôi, nếu người dân, kể cả những người vi phạm luật giao thông quay phim, chụp ảnh CSGT mà không được phép là họ đã sai. Những trường hợp cố tình chĩa máy quay vào sát mặt của CSGT rồi tung ra nhưng động tác và lời nói phản cảm, thì theo tôi, đó là hành vi gây sự với CSGT chứ không phải là giám sát CSGT làm nhiệm vụ. Trường hợp trên cho ta thấy để phân định rạch ròi giữa hành vi giám sát thật sự với hành vi gây sự là rất khó. 

Dưới góc nhìn luật pháp, ngay cả lời mời của một vị lãnh đạo nào đó rằng: Mời nhân dân quay phim, chụp ảnh CSGT cũng chưa hẳn đúng. Nó chỉ đúng khi CSGT đồng ý, và họ phải chứng minh được là họ làm điều đó vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. 

Một bài báo khác có tựa "Người dân có quyền ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ" được đăng tải trên trang Pháp Luật cũng chưa đúng hoàn toàn khi phỏng vấn một lãnh đạo ngành công an và được vị này trả lời là "người dân được phép, vì CSGT làm việc công khai theo quy định của pháp luật". Đúng là người dân có quyền giám sát, nhưng giám sát phải tuân thủ quy định của luật, nghĩa là phải được sự đồng ý của CSGT.
Ảnh lấy từ Net

Hãy đặt mình vào vị trí của CSGT, nếu như anh đang giảng bài, anh đang kiểm toán, anh đang nghiên cứu khoa học, anh đang bán hàng.v.v.. mà người nào đó không xin phép, cứ quay phim thì các bạn nghĩ sao?

Vì thế câu, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm không hoàn toàn đúng. Nó là đúng với những người có văn hóa, còn loại người thiếu văn hóa hay cái tâm không trong sáng sẽ lợi dụng để làm những điều bậy bạ mà không có một quy định nào của pháp luật cấm.

Có thể khẳng định không ai muốn hình ảnh của mình bị đăng, xuất hiện trên báo chí hay ngoài tầm kiểm soát của mình, và chúng ta cần tôn trọng điều này.
--------------

Tham Khảo:

1. Bộ luật dân sự, năm 2005 - Tại đây
2. Nghị định của Chính phủ số 51/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Xem tại đây.
3. Luật Báo chí, năm 1989 - Xem tại đây
4. Luật Báo chí (sửa đổi), năm 1999 - Xem ở đây
5. Người dân có quyền ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ - Xem ở đây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét