LĐTĐ -Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh về việc PGS.TS. Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học KTQD, tác giả Luận án bảo vệ năm 2003 “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” bị tố cáo “đạo văn” luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2002 của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng.
Ông Hoàng Xuân Quế |
Sau khi công luận phản ánh nội dung trên, tổ xác minh do Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD thành lập đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD để sao lưu hai cuốn luận án, tổ chức đối chiếu và làm việc với tác giả luận án bị sao chép là Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng thuộc Học viện Ngân hàng.
Việc “đạo văn” trong luận án Tiến sỹ là đúng
Ngày 24/6/2013, tổ xác minh đã có báo cáo gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học KTQD. Kết quả xác minh cho thấy, việc sao chép luận án của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế là đúng. Ngoài việc sao chép y nguyên gần 30% nội dung luận án của TS. Mai Thanh Quế, trong luận án của mình, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế còn thể hiện sự cẩu thả khi trích dẫn không đúng, nhiều nội dung khoa học không đúng do lỗi sao chép theo kiểu “cắt – dán”. Tổng cộng luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có 2020 câu, bước đầu phát hiện có 662 câu giống ý nguyên luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm tỷ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu) của luận án.
Ngoài ra, luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã sử dụng tới 73 tài liệu tham khảo. Theo Quy chế đào tạo sau đại học, NCS cần trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo theo quy định. Tuy nhiên, trong luận án, ông Hoàng Xuân Quế chỉ có 7 trích dẫn, trong đó có 2 trích dẫn nhầm tài liệu. Làm việc với tổ xác minh, TS. Mai Thanh Quế, xác nhận: “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”.
Lật tẩy biện minh của Tiến sỹ “đạo văn”
Qua tìm hiểu, tại bản giải trình trong buổi làm việc lần thứ ba với tổ xác minh vào ngày 1/7/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã không trung thực khi đưa ra lý do là bản luận án do chính ông nộp trên Thư viện Quốc gia và thư viện Trường Đại học KTQD cách đây 10 năm sau khi bảo vệ xong để hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tiến sỹ là bản nộp nhầm (?).
Điều khó hiểu là lý do biện minh của ông vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận “sẽ xem xét” tại buổi làm việc ngày 5/7 vừa qua. Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế được lãnh đạo Bộ gia hạn cho nộp bản luận án để chứng minh vào ngày 10/7. Dư luận cho rằng, Bộ đang tạo điều kiện cho vị Phó Giáo sư, Tiến sỹ này có cơ hội “gia cố” lại luận án để hô biến từ “đạo văn” sang “không đạo văn”.
Ông Quế đã đến gặp 2 thành viên Hội đồng bảo vệ luận án năm 2003 nhờ ký vào bản luận án do ông chuẩn bị sẵn để xác nhận đây là bản luận án cuối cùng. Việc làm này của ông Quế và 2 thành viên Hội đồng có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, cần phải được xem xét xử lý hình sự nếu có đủ cơ sở kết luận.
Tuy vậy, chưa cần giám định để xử lý hình sự, lời biện minh gian dối của ông Hoàng Xuân Quế bị lật tẩy khi chúng tôi tìm thấy cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” của ông Hoàng Xuân Quế, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004. Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế xuất bản từ nội dung luận án Tiến sỹ của mình bảo vệ năm 2003.
Kết quả so sánh nội dung của cuốn sách và bản Luận án của ông Quế trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cho thấy giống nhau gần như hoàn toàn. Kết quả kiểm tra, đối chiếu so sánh luận án tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế năm 2003 và Sách chuyên khảo của chính ông xuất bản năm 2004 là dẫn chứng xác minh cho những gian dối, sai phạm trên: Luận án tiến sỹ của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế có tổng số 2020 câu, phát hiện có 662 cấu giống Luận án của TS. Mai Thanh Quế chiếm 33,66% dung lượng (theo số câu) của Luận Án.
Tiếp đến Sách chuyên khảo của chính ông có tổng số 1772 câu, phát hiện có 1647 câu giống hoàn toàn với Luận án ông làm năm 2003, chiếm 92,95% dung lượng (theo số câu) của Sách chuyên khảo; phát hiện có 98 câu, chiếm 5,5% dung lượng của Sách chuyên khảo chỉ khác 1, 2 từ, hoặc thêm bớt 1 vài từ, hay vài từ sao chép bị sai lỗi chính tả, nhưng không làm thay đổi nội dung, ý nghĩa của câu. Hơn những thế, trong danh mục tài liệu tham khảo luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế không nhắc gì đến Luận án của TS.Mai Thanh Quế. Tuy vậy, đến khi xuất bản Sách chuyên khảo trên, ông lại đưa luận án tiến sỹ của TS. Mai Thanh Quế vào mục Tài liệu tham khảo, mặc dù chưa có sự đồng ý của tác giả!?
Ảnh bìa luận án |
Điều này cho thấy, việc “biện minh” nộp nhầm bản thảo luận án lên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD của ông Hoàng Xuân Quế là không đúng sự thật. Từ bản luận án Tiến sỹ sao chép của TS. Mai Thanh Quế, ông Hoàng Xuân Quế còn in và xuất bản thành sách chuyên khảo năm 2004 với số lượng lên đến 1000 cuốn. Cuốn sách chuyên khảo “đạo văn” này cũng đã được ông Hoàng Xuân Quế nộp trong hồ sơ xét công nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2009. Trang bìa của sách chuyên khảo này còn in quảng cáo của hai ngân hàng và một công ty chứng khoán, điều này vi phạm Luật Xuất bản.
Cần có biện pháp xử lý
PGS.TS. Hoàng Xuân Quế đã vi phạm khoản 2 Điều 58 của Luật Giáo dục đại học quy định về những điều giảng viên không được làm “Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học”; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm khoản 6 Điều 19 của Luật Viên chức về những điều viên chức không được làm, thể hiện sự gian lận và thiếu trung thực của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học KTQD và của ngành giáo dục Việt Nam.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế (năm 2003), hành vi vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế có tính chất và mức độ rất nghiêm trọng phải bị xử lý kỷ luật theo Luật viên chức theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/1998, Điều 41 của Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ vào Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002, văn bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được xem xét thu hồi theo đúng quy định. Đồng thời, căn cứ vào Điều 18 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, học hàm PGS của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được xem xét hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Trường Đại học KTQD phải xem xét xử lý kỷ luật đảng viên đối với ông Hoàng Xuân Quế theo quy định tại Quy định 181/QĐ-TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị. Dư luận đang trông chờ quyết định xử lý nghiêm minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan, để tình trạng “đạo văn”, “gian lận” trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và gian dối trong việc nâng cấp học hàm, học vị trong các Ngành, các Cấp và Ngành giáo dục đào tạo của nước nhà được sớm chấn chỉnh nghiêm túc.
Ngọc Lựu
----------------------------------------
Nguồn: http://baolaodongthudo.com.vn/nghi-an-dao-luan-an-tien-sy/63/107934
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét